Mua cổ phần công ty sách
Trung tuần tháng 3 vừa qua, thông tin Vingroup sắp mua cổ phần một công ty sách được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội hé lộ. Doanh nghiệp đang đứng trước cơ hội tiếp cận với quỹ đất lớn gồm 6 dự án của Công ty Sách Việt Nam (Savina) thông qua hình thức mua thỏa thuận trực tiếp 44 triệu cổ phần (65% vốn điều lệ) của doanh nghiệp này với giá 10.500 đồng. Nếu thương vụ hoàn tất, Vingroup chỉ bỏ ra 463 tỷ đồng mua cổ phần công ty này sẽ tận dụng được lợi thế cực lớn về quỹ đất của đối tác để phát triển bền vững.
Điều kiện là ông lớn địa ốc này phải cam kết gắn bó lâu dài với Savina, có dự án đầu tư khả thi, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, quản trị doanh nghiệp và cải tạo nâng cấp toà nhà 44 Tràng Tiền làm trụ sở công ty và trung tâm kinh doanh phát hành sách. Vingroup không được chuyển nhượng cổ phần tối thiểu trong 5 năm. Được biết, Savina có trụ sở tại con phố đắt đỏ bậc nhất Hà Nội, nằm ngay bên cạnh Trung tâm Thương mại Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm) và đang quản lý quỹ đất lên đến hàng chục nghìn m2 tại Thủ đô trong đó có những vị trí đắc địa như: 22A-B Hai Bà Trưng, 44 Tràng Tiền, Dịch Vọng (Cầu Giấy). Những dự án này phần lớn đang sử dụng, để trống hoặc cho thuê, có những dự án chờ chuyển đổi công năng.
Quỹ đất của các doanh nghiệp BĐS có thể tăng lên với tốc độ chóng mặt từ hàng chục nghìn đến hàng trăm nghìn m2 chỉ sau một động thái thâu tóm cổ phiếu, mua bán sáp nhập từng phần hoặc toàn phần
Liên kết với ông lớn bán lẻ
Mới đây, tại Lễ kỷ niệm 12 năm thành lập doanh nghiệp, Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) đã công bố 20 đối tác chiến lược toàn diện thuộc nhiều lĩnh vực. Bên cạnh những đối tác quen thuộc với ngành BĐS như: Tập đoàn Quốc tế Năm Sao, Công ty CP địa ốc Kinh Đô và các nhà thầu, định chế tài chính, thiết kế, còn có sự xuất hiện của 2 thương hiệu bán lẻ là Liên hiệp Hợp tác xã Co.op Mart và Công ty Auchan Retail Viet Nam – Simply Mart.
Trao đổi với PV, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Sacomreal Đặng Hồng Anh cho biết, các đối tác bán lẻ đóng vai trò đặc biệt trong chiến lược phát triển thị phần BĐS thương mại phức hợp. Cụ thể, các cao ốc đa chức năng do doanh nghiệp triển khai xây dựng có mặt bằng là khu mua sắm sẽ ưu tiên cho các đối tác này thuê mua. Trái lại, quỹ đất của những nhà bán lẻ cũng chính là nguồn lực để Sacomreal khai thác. Ông Hồng Anh chia sẻ, thay vì các nhà bán lẻ này chỉ xây dựng khu thương mại thấp tầng trên quỹ đất của họ, Sacomreal sẽ vào cuộc cùng triển khai cao ốc và tận dụng khoảng không gian phía trên để phát triển BĐS.
Bắt tay với đại gia ngành xây dựng và dệt may
Cách đây không lâu, Công ty CP phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) đã hoàn tất thủ tục ký kết hợp tác cùng lúc với Công ty CP Ngoại thương và Phát triển đầu tư Tp.HCM (Fideco), Công ty CP Dệt may Liên Phương và quỹ đầu tư Pavo Capital (Anh).
Đối với 2 đối tác trong nước, Thuduc House bất ngờ gia tăng thêm 6 dự án căn hộ, khu đô thị, cao ốc văn phòng, khu dân cư tại Tp.HCM, Nam Định, Nha Trang vào danh mục đầu tư tới với quy mô quỹ đất lên đến 56 ha. Còn quỹ đầu tư đến từ Anh đóng vai trò hỗ trợ Thuduc House cùng các đối tác giải quyết nhu cầu vốn lớn và dài hạn cho các dự án này. Việc bắt tay với 3 bên đã giúp doanh nghiệp này bành trướng quỹ đất với tốc độ cực nhanh so với cách làm truyền thống (phải mất tối thiểu 3-5 năm với nguồn vốn lớn mới chuẩn bị được quỹ đất “khủng” này).
Thâu tóm cổ phần của doanh nghiệp cùng ngành
Cuối năm ngoái, Khang Điền mua thỏa thuận 32 triệu cổ phiếu của Công ty CP đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCI), nâng tỷ lệ sở hữu lên mức 57,31%. Hiện BCI đang nắm quỹ đất lớn nhất nhì Tp.HCM gồm 24 dự án đang triển khai, với tổng diện tích gần 400 ha tập trung chủ yếu ở Bình Chánh, Bình Tân. Việc thu gom cổ phiếu BCI của Khang Điền được dự báo là không nằm ngoài mục tiêu tăng quy mô quỹ đất, duy trì và phát huy lợi thế này để mở rộng thị phần.
Trong thông cáo báo chí do Khang Điền phát đi cũng xác định rõ chiến lược bám trụ khu Đông và lan tỏa về hướng Tây của doanh nghiệp này trong thời gian tới. Doanh nghiệp sẽ từng bước mở rộng quỹ đất, đầu tư các dự án mới tại khu vực Tây Nam Tp.HCM ở phân khúc chung cư, nhà thấp tầng, khu công nghiệp và BĐS thương mại.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp khác như: An Gia, Công ty đầu tư hạ tầng kỹ thuật (CII), Đất Xanh, Hưng Thịnh,… cũng đang dùng chiêu bắt tay với các doanh nghiệp cùng ngành để bành trướng quỹ đất và rút ngắn thời gian đầu tư cho một dự án BĐS từ 5-6 năm xuống còn 18-24 tháng.
(Theo Vnexpress)
Nguồn bài viết: Chiêu thâu tóm quỹ đất của các ông lớn địa ốc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét