Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2016

Những thương vụ thâu tóm khách sạn "khủng" của các đại gia địa ốc


Thương vụ lớn nhất phải kể đến là Tập đoàn Mapletree vừa mua lại Tổ hợp Kumho Asiana Plaza từ liên doanh Hàn Quốc là Kumho Industrial và Asiana Airlines với tổng giá trị chuyển nhượng khoảng 215 triệu USD. Thương vụ này sẽ giúp Mapletree mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam và nâng khối lượng tài sản của tập đoàn này ở Việt Nam lên hơn 1 tỉ đô-la Singapore.



Kumho Asiana Plaza được biết đến là một dự án phức hợp với tổng diện tích sàn gần 146.000 m2. Dự án bao gồm văn phòng hạng A, một khách sạn của InterContinental Hotels Group quản lý và căn hộ dịch vụ. Khu phức hợp này nằm dọc theo đại lộ Lê Duẩn và Hai Bà Trưng ở trung tâm của khu thương mại trung tâm Sài Gòn. Đặc biệt, đây cũng chính là nơi lưu trú của Tổng thống Obama trong chuyến thăm Tp.HCM vừa qua.



Trong 6 tháng đầu năm, thị trường BĐS đã chứng kiến hàng loạt thương vụ M&A trong lĩnh vực khách sạnTrong 6 tháng đầu năm, thị trường BĐS đã chứng kiến hàng loạt thương vụ M&A trong lĩnh vực khách sạn



Thương vụ chuyển nhượng khách sạn thứ 2 trong quý II/2016 là vụ Low Keng Huat chuyển nhượng khách sạn Duxton Hotel Saigon (quận 1, Tp.HCM) cho New Life RE. Đây là dự án gồm 198 phòng khách sạn nằm trên đường Nguyễn Huệ, hướng ra sông Sài Gòn. Khách sạn được chuyển nhượng với mức giá 49,4 triệu USD.



Thương vụ thứ 3 trong quý được ghi nhận là việc Công ty CP Quê Hương Liberty chuyển nhượng Dự án Novotel Saigon Centre cho Công ty CP đầu tư Sài Gòn Green View (SGGV Investment) – quỹ đầu tư mới thành lập cuối năm 2014 với vốn điều lệ hơn 1.000 tỷ đồng. Dự án với 247 phòng hạng 4 sao được SGGV Investment mua với mức giá 46,7 triệu USD.



Thương vụ thứ 4 liên quan đến phân khúc khách sạn trong quý II/2016 là việc Tập đoàn BRG mua lại khách sạn Sedona Suites Hanoi (Hồ Tây) với giá 31,5 triệu USD từ Keppel Land Việt Nam. Sedona Suites là khu khách sạn cao cấp có vị trí đắc địa tại Hồ Tây, khai trương từ năm 1998.



Thông tin từ CBRE Việt Nam cho biết, trong quý III/2016 còn có thương vụ chuyển nhượng khách sạn đáng chú ý khác là việc Tập đoàn khách sạn Pan Pacific(Singapore) đầu tư vào khách sạn Sofitel Plaza Hanoi (số 1 đường Thanh Niên, quận Ba Đình, TP. Hà Nội), sau đó chính thức đổi tên thành Khách sạn Pan Pacific.



Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu, tư vấn và định giá CBRE đánh giá, M&A trong lĩnh vực khách sạn không chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài mà cả các chủ đầu tư trong nước cũng đang tích cực tham gia vào sân chơi này.



Bà An nhấn mạnh, nền kinh tế tăng trưởng khả quan, chính trị ổn định, nhu cầu du lịch của khách quốc tế tăng cao và kết quả hoạt động của các khách sạn hạng sang khá tích cực là những lý do chính khiến cho các nhà đầu tư tiếp tục quan tâm tới thị trường khách sạn – nghỉ dưỡng tại Việt Nam.



(Theo Trí thức trẻ) 

 



Nguồn bài viết: Những thương vụ thâu tóm khách sạn "khủng" của các đại gia địa ốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét